“Méo miệng, quẹo lưỡi” đọc tên mình bằng chữ tiếng Việt mới

Từ khóa

Trong khi đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt mới chỉ dừng ở ý tưởng, các bạn trẻ đã rộ lên trào lưu thay tên đổi họ của mình theo quy tắc viết chữ mới của PGS-TS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Đến hiện tại, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến không đồng tình với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền. Dù ghi nhận công sức, tâm huyết nghiên cứu của nhà khoa học, nhưng nhiều người cho rằng đề án khó khả thi.
Hơn nữa, nếu thay đổi sẽ tác động lớn đến xã hội, như chuyện in ấn sách giáo khoa và ai sẽ là người đào tạo người dân viết theo kiểu chữ mới?
Trong khi tranh cãi vẫn chưa dứt, các chuyên gia công nghệ đã làm ra các phần mềm chuyển đổi chữ “ăn theo” đề xuất của PGS Bùi Hiền.
Lập trình viên Phan An vừa chia sẻ trên trang Github phần mềm có tên "bộ công cụ chuyển đổi tiếng Việt". Chỉ cần gõ tên, phần mềm sẽ tự động chuyển tên Tiếng Việt sang thành tên “Tiếq Việt” theo đề xuất đang tranh cãi.



Ngay sau đó, nhiều phần mềm chuyển đổi tiếng Việt khác cũng xuất hiện. Đặc biệt, không ít bạn trẻ đã hào hứng thử nghiệm cách chuyển tên của mình theo bộ chữ viết mới của PGS-TS Bùi Hiền và thích thú chia sẻ “tên mới” trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi đọc tên theo bộ chữ mới, cũng lắm chuyện “cười ra nước mắt”.
“Đọc méo cả miệng, quẹo hết lưỡi mà vẫn chưa đúng tên” - là phản ứng của nhiều người.
Không chỉ viết tên mình, cư dân mạng còn thi nhau viết lại những bài thơ, tên của những người nổi tiếng vì tò mò không biết chuyển sang chữ theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền sẽ ra sao.
Thậm chí nhiều bạn trẻ còn học và tập viết những dòng chia sẻ trên facebook theo kiểu chữ mới.
Đánh giá về điều này, PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, dù giới trẻ tỏ ra hào hứng thử nghiệm, nhưng không có nghĩa là đồng ý với đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền. Phần lớn mọi người vẫn chia sẻ sự lo lắng.

“Nếu đề án cải tiến chữ viết được đem sử dụng, sẽ sản xuất ra hàng loạt những văn bản mới, những văn bản cũ đương nhiên sẽ biến thành những văn bản cổ. Điều quan trọng là muốn phổ cập, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ phải thay thế toàn bộ sách giáo khoa theo cách viết mới. Học sinh sẽ phải học lại toàn bộ bảng chữ cái. Rõ ràng, việc làm quen với mã ký hiệu mới này sẽ gặp vô vàn trở ngại” - PGS-TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

Ông nhắn nhủ người dân cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Cải tiến chữ quốc ngữ mới chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.
Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó.


Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá

Bài liên quan

Blog Xe Hay


EmoticonEmoticon